Giỏ hàng của bạn trống!
Điện Biên - vùng biên giới vững chãi
Điện Biên - tỉnh biên giới cách thủ đô Hà Nội 530km về phía Tây Bắc - có chung đường biên giới với hai quốc gia: nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với tổng cộng hơn 455km đường biên giới.
Điện Biên - vùng biên giới vững chãi
Điện Biên ở đâu?
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi có diện tích tự nhiên 9.541,25km2, cách thủ đô Hà Nội 530km về phía Tây Bắc, có chung đường biên giới với hai quốc gia: về phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam, nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tổng cộng hơn 455km đường biên giới.
Các di tích như hang Thẩm Khương, Thẩm Púa ở Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, đã chứng minh con người từ thời thượng cổ đã có mặt rất sớm và biến nơi đây thành một trung tâm của người Việt cổ. Đến thế kỷ 9 - 10, người Lự ở Mường Thanh đã phát triển khá mạnh, từ phía Bắc họ phát triển thế lực khắp lòng chảo Mường Thanh và ảnh hưởng mạnh sang các khu vực: Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo...
Thế kỷ 11-12, người Tày Đăm (Thái đen) từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) và từ Mường Lò thời gian sau đó, những cư dân này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng để tràn qua Than Uyên, Văn Bàn... và cuối cùng làm chủ cả một vùng từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên).

Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841, Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu.
Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Hoa (Hán), Kháng, Mường, Cống, Xi Mun, Si La, Nùng, Phù Lá, Thổ, Tày, Sán Chay... Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên. Theo thống kê năm 2020, dân số của tỉnh Điện Biên là 613.500 người với mật độ dân số là 64 người/km².
Theo Nghị quyết số 1661/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Điện Biên năm 2025 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 16/6/2025, tỉnh Điện Biên có 45 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã và 03 phường.
Hình: Thông tấn xã Việt Nam.
Khí hậu Điện Biên thế nào?
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa Hạ nóng, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng của gió Tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm 21o - 23oC, thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (14o - 18oC), cao nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (25oC). Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Điện Biên có nhiều nắng, khoảng 1820 - 2035 giờ/năm; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8 và 9, ít nắng vào tháng 6, 7.
Điện Biên có gì hấp dẫn?
Hoa Ban - biểu tượng của Điện Biên
Hoa Ban - biểu trưng cho đất và người Điện Biên, gắn bó với Mường Thanh (Mường Trời) từ ngàn đời xưa - thường nở vào tháng 2 và tháng 3 Âm lịch, có vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ nhọc nhằn đá núi, như một nốt vĩ thanh trong bản hòa ca mùa xuân Tây Bắc.
Những cánh hoa Ban trắng muốt, mỏng manh, tinh khiết, thơm dịu nở bung từ thân cây khô, cành lá khẳng khiu, bền bỉ chắt chiu khí trời khoáng đạt giữa đá núi thâm trầm và đại ngàn hùng vĩ được coi là hình ảnh đại diện cho khí chất của đồng bào vùng cao, luôn vươn lên từ gian khó.
Hoa Ban mang trong mình huyền tích diễm lệ về tình yêu đôi lứa giữa chàng Khun và nàng Ban xinh đẹp - một mối tình dở dang, không thể vượt qua ngăn trở của lễ giáo và định kiến. Họ yêu nhau tha thiết nhưng vì cha mẹ ham giàu, quyết gả nàng Ban cho con trai tạo bản, hai người đã không thể đến được với nhau nhưng trái tim của họ dù ngừng đập vẫn không ngừng khát khao mãnh liệt, để rồi từ tình yêu không thành ấy, người con gái đã hóa kiếp thành cây hoa ban trắng thủy chung, chàng trai hóa thành loài chim Khun quấn quýt hát ca mỗi mùa ban nở rộ. Từ đó, hoa Ban trở thành biểu tượng của tình yêu, của khát vọng vươn lên và hạnh phúc trường tồn.

Cây hoa Ban phân bổ khá rộng tại các xã: Mường Ảng, Điện Biên, Na Son (trước là Điện Biên Đông), Tủa Chùa, và phường Điện Biên Phủ. Mỗi dịp xuân về, hoa Ban lại bừng nở như lời mời gọi bạn bè, du khách bốn phương về với mảnh đất Điện Biên. Ai đó đã từng nói: “Đến Điện Biên, ngắm nhìn hoa ban lung linh bung nở, chiêm ngưỡng các cô gái Thái xinh đẹp bên suối, thưởng thức các món ăn truyền thống mà chưa hòa mình vào hội vui cùng nắm tay múa xòe, nhảy sạp thì coi như chưa đến Điện Biên, chưa lên Tây Bắc vậy…”
Các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 18 di tích lịch sử được xếp hạng, bốn di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nổi bật là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Ðiện Biên Phủ, gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ-cát).
Bên cạnh đó, khách du lịch Điện Biên có thể ghé thăm rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước thiên nhiên, như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại xã Thanh Yên (trước là xã Pa Thơm ở huyện Điện Biên), hang Thẩm Púa nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc địa phận Bản Pó, xã Búng Lao (trước là xã Chiềng Đông ở huyện Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông...
“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ”
Một địa điểm nổi tiếng không thể không nhắc khi du khách đến tỉnh Điện Biên là đèo Pha Đin, hay còn gọi là Dốc Pha Đin. Đèo Pha Đin nối liền giữa 2 tỉnh Sơn La - Điện Biên, lừng danh từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ bởi phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn mà vẫn trường tồn, ngày nay còn được phong là một trong “tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” nổi tiếng hiểm trở và có cảnh đẹp mê hoặc du khách. Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng dân tộc Thái là “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa “trời” và Đin là “đất”, hàm ý chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Khách du lịch Điện Biên còn được nghe người vùng Lai Châu (sau tách thành Lai Châu, Điện Biên) và Sơn La kể câu chuyện từ xa xưa vẫn lưu truyền về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt đèo Pha Đin. Sau hành trình gian nan, hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí tương đồng nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, ngựa Lai Châu nhỉnh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một đoạn so với phần đèo thuộc Sơn La.
Hầu như trên cả cung đèo Pha Đin, khách du lịch Điện Biên có thể thấy sức sống hiển hiện, bởi nhiều năm nay, người dân các bản lân cận của xã Bình Thuận (trước đây là xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu), tỉnh Sơn La và người dân xã Quài Tở (trước là xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo), tỉnh Điện Biên cùng nhau họp chợ buôn bán nông sản, hàng hóa địa phương được bà con tăng gia sản xuất hoặc lấy trên núi rừng. Có 3 loài cây cà phê - táo mèo - sa nhân được chú trọng phát triển ở đây. Câu nói “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, Mông ăn theo sương mù” được người xưa đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thời chiến tranh ác liệt, đèo Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân ta, từ đó đã trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của ta, suốt 48 ngày đêm ròng rã quân địch đã cho máy bay oanh tạc đường quốc lộ 6, trong đó, đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi là hai nơi hứng chịu lượng bom đạn đổ xuống nhiều nhất. Trên đỉnh đèo Pha Đin hiện vẫn còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này.
Đến năm 2005, chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La - Tuần Giáo được thi công từ năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn tất, chia đèo Pha Đin thành 2 tuyến cũ và mới từ ngã 3 đỉnh đèo:
- Đèo Pha Đin Cũ: dài 32km (từ km 360 đến km 392, nằm trên quốc lộ 6 cũ) có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển; và khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ôtô đi qua.
- Đèo Pha Đin Mới: được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, chiều dài giảm còn 26km với khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60m, độ dốc hạ xuống còn 8%, đặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần so với trước.
Dù chinh phục đèo Pha Đin cũ hay mới, khách du lịch Điện Biên cũng có dịp mãn nhãn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục ở đây. Nhìn từ xa, cung đèo như sợi dây thừng buộc nối những quả núi với nhau, lơ lửng giữa mây trời. Cái ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lên xuống của đường đèo đẹp như thể chỉ có ở trong tranh.
Nằm trên đỉnh đèo, cách phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, khoảng 100km, khu du lịch Pha Đin Pass được xây dựng từ năm 2016 là điểm dừng chân thu hút với du khách thập phương. Ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, tiết trời nơi đây khá giống với khí hậu vùng núi Tam Đảo hay Sa Pa, có chút se lạnh vào sáng sớm hay buổi đêm và nắng ngập tràn vào lúc trưa, chiều. Ở đây, khách du lịch Điện Biên có không gian nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống, chụp ảnh với ngọn đồi chong chóng, xích đu… hay tản bộ quanh những con đường mòn dưới những hàng thông xanh mát, xen lẫn vườn mận trĩu quả vào mùa hè và ngây ngất trước vẻ đẹp của thung lũng hoa tràn ngập sắc màu hoa tam giác mạch, oải hương, cẩm tú cầu, xuyến chi...
Những kỳ quan hang động
Hang động Thẳm Khến thuộc bản Nà Xa, nằm khá gần trung tâm xã Sáng Nhè (trước là xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa), tỉnh Điện Biên, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ mang lại sự thú vị trước bàn tay thần kỳ của tạo hóa.
Ngày 27/10/2020, hang Thẳm Khến đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hang Thẳm Khến được gọi tên theo tiếng của dân tộc Thái địa phương: Thẳm là hang động, Khến là một loại rau có vị đắng và ngọt, loại rau này mọc nhiều trước cửa hang, Thẳm Khến nghĩa là hang động có nhiều cây rau Khến.
Từ Ủy ban nhân dân (UBND) xã Mường Đun cũ, chỉ cần rẽ phải 1,5km vào bản Nà Xa và theo đường mòn khoảng 600m, khách du lịch Điện Biên sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp của hai hang động nhỏ ở đây: hang thứ nhất uốn lượn theo hình chữ S, có chiều sâu khoảng 160m, được chia làm 3 khoang chính; hang thứ hai hình chữ W, có chiều sâu khoảng 280m, chia làm hai khoang và hai ngách nhỏ.

Ở tỉnh Điện Biên có rất nhiều hang động đẹp như Thẳm Khến. Một trong số đó là hang động Chua Ta.
Hang Chua Ta nằm ở lưng chừng núi Chu Ta (theo tiếng địa phương, Chu Ta có nghĩa ong khoái) thuộc bản Na Côm, xã Núa Ngam (trước là xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên), là một trong những danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, cách phường Điện Biên Phủ hơn 30km về phía Nam.
Với vẻ đẹp kỳ vĩ với bao điều bí ẩn, hang động Chua Ta chính là tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, nơi có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên và du lịch. Hang dài hơn 500m, gồm 2 khoang uốn theo hình chữ S. Cửa hang nhỏ, để vào được bên trong du khách phải nằm nghiêng chui người qua.
Khoang bên ngoài thoáng, rộng có giếng trời mang ánh sáng mờ ảo, lung linh vào trong hang. Trần và 2 bên vách động là các dải nhũ đá rủ xuống lấp lánh, tạo hình đẹp mắt với thác nước, tượng Phật, tiên nữ... Dưới nền động là những viên cuội tròn màu trắng hay những cột nhũ đá, cối đá, măng đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ.
Khoang thứ 2 cao hơn khoang thứ nhất, như một hội trường lớn có thể chứa trên 300 người. Trong động là vô số đá cuội, nhũ đá… với màu sắc đa dạng, hình thù phong phú, sinh động, đẹp mắt tựa như mâm xôi, hoa quả đủ màu sắc, ruộng bậc thang uốn lượn như san hô nối tiếp nhau từ gần đến xa hay những chiếc giếng nước,… đã tạo nên nét quyến rũ riêng, gây ấn tượng mạnh với du khách.
Bản Na Côm còn quyến rũ du khách với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, những dãy ruộng bậc thang và nếp sinh hoạt truyền thống của bà con dân tộc, khám phá dệt thổ cẩm, rượu Mông Pê, khèn môi…
Hang động Khó Chua La, thuộc địa phận bản Pàng Dề A1, xã Sáng Nhè (trước là xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa), tỉnh Điện Biên, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 4252/QĐ-BVHTTDL ngày 9/12/2015.
Hang Khó Chua La cách trụ sở UBND xã Xá Nhè cũ hơn 1km, cách đường liên xã 300m, được đánh giá là hang động có phong cảnh đẹp, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khám phá địa chất và tham quan du lịch.
Danh lam thắng cảnh Khó Chua La được hình thành cách ngày nay hàng triệu năm, có vẻ đẹp nguyên sơ, nhiều khối nhũ đá lộng lẫy và hình thù kỳ lạ, được người dân địa phương phát hiện năm 2008. Hang nằm ở vị trí cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có chiều sâu trên 800m, chia làm 3 khoang. Cửa hang nhỏ, sâu và quay về hướng Đông - Nam. Trong hang động, nơi rộng nhất khoảng 15-18m, vòm cao trung bình từ 18 - 25m.
Ở Tủa Chùa còn có hang động Xá Nhè thuộc Bản Bằng Dề B, xã Sáng Nhè (trước là xã Xá Nhè), đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào đầu tháng 3/2014 bởi các giá trị về khảo cổ, lịch sử và văn hóa.
Nằm cách trung tâm xã Xá Nhè cũ hơn 1km, hang động Xá Nhè tồn tại cách ngày nay hàng triệu năm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, được bao bọc giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực Tây Bắc.
Động Xá Nhè còn được người dân tộc Mông địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ) vì trước đây ở trong hang có nhiều dơi, người dân địa phương thường lấy phân dơi làm nguyên liệu chế tạo thuốc nổ.
Đến đây du khách có thể khám phá, trải nghiệm hang động với chiều sâu 700m được uốn theo hình vòng cung, cửa hang rộng 5m, cao 17 - 18m, trong hang nơi rộng nhất rộng 20 - 25m, có nhiều ngách, nhiều tầng, với vẻ đẹp riêng, phần lớn nền trong hang động là đất dẻo. Càng vào trong, động càng lộng lẫy bởi những đường nét, hình dáng do thạch nhũ, măng đá tạo nên, tuy đều là những tác phẩm điêu khắc tự nhiên làm từ đá nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang động không giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò, đam mê khám phá.
Cả 5 khoang trong động mang vẻ đẹp quyến rũ tạo ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn. Du khách đứng trong hang động có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ, hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn, thơ mộng.

Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trên khu vực có tên Pom Thẳm Bẻ (hay còn gọi khu vực đồi hang dê theo tiếng địa phương) thuộc bản Huổi Cang, bản Huổi Đáp, xã Pa Ham, tỉnh Điện Biên.
Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp được ví như một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng về địa hình, địa chất, địa mạo, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường.
Xã Pa Ham được thiên nhiên ưu đãi về địa chất, địa mạo và nhiều cảnh đẹp thơ mộng, núi non hùng vĩ, cảnh đẹp sông nước… Vẻ đẹp kỳ vĩ ấy chứa những điều bí ẩn của tạo hóa mà con người muốn chinh phục, khám phá như hang động 72, hang sơ tán thời kỳ chiến tranh Biên Giới năm 1979, là nơi cất dấu lương thực, kho bạc và các loại vũ khí, đạn dược của quân và dân phục vụ chiến tranh đồng thời cũng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan, ban ngành tỉnh Lai Châu (cũ) - nay là tỉnh Điện Biên.
Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong khu vực núi đá vôi, cao khoảng 480m so với mực nước biển, cửa của hai hang cách nhau khoảng 450m, cùng quay về hướng Đông - Nam, có ba kiểu hệ sinh thái, gồm hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động và hệ sinh thái dưới nước. Hai hang động đều được chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, bên trong là những nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau như hình trụ đá, măng đá, nhũ đá, hình rèm, hình những cây nấm, hình tượng phật, ông bụt, hình các con vật, vân đá tạo nên một cảnh quan thiên nhiên sống động, đặc biệt có những nhũ đá mang hình thù những quả chuông mà khi gõ vào đó phát ra những âm thanh kỳ lạ khác nhau.
Người dân quan niệm vạn vật trong thiên nhiên đều có hồn do các vị thần cai quản như thần động, thần đá, thần rừng; hang động Huổi Cang, Huổi Đáp cũng được một vị thần cai quản, nên mọi người bảo vệ, không lấy những nhũ đá ra khỏi hang động.
Trên tuyến đường từ phường Ðiện Biên Phủ đi xã Pa Ham qua Tuần Giáo, du khách có thể tham quan, nghiên cứu các điểm di tích khảo cổ học Thẳm Khương, Há Chớ, Mùn Chung và di tích lịch sử cách mạng Pú Nhung ở Tuần Giáo, khám phá du lịch sinh thái trên dòng sông Nậm Mức thơ mộng, với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và các món ăn mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc.
Để đến tham quan hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, khách du lịch Điện Biên có thể đi bằng các phương tiện xe cơ giới, xe thô sơ, đi thuyền, xuồng.
Tuyến 1: Từ phường Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 đến phường Mường Lay, ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.
Tuyến 2: Từ phường Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 đến xã Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.
Tuyến 3: Từ phường Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 hướng đi phường Mường Lay, đến Huổi Lèng rẽ phải theo đường tỉnh lộ 144b qua xã Hừa Ngài cũ rồi rẽ trái đến Quốc lộ 6A, rẽ trái đi xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.
Du lịch cộng đồng
Ngoài việc phát huy giá trị cụm di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, phục dựng và phát triển nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo, như: Lễ hội hoa Ban, phục dựng nghệ thuật hát then Thái, lễ hội đua thuyền đuôi én, lễ hội Thành Bản phủ gắn với truyền thống cộng đồng của 19 dân tộc anh em… thời gian gần đây, ngành du lịch Điện Biên còn khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển thêm loại hình du lịch cộng đồng homestay, đem đến cho du khách những cách tiếp cận khác nhau, những trải nghiệm mới lạ về cuộc sống và con người nơi họ đến.
Một trong số đó là Homestay Mường Then, tại bản Ló, xã Thanh Nưa (trước là xã Thanh Luông, huyện Điện Biên), cách phường Điện Biên Phủ khoảng 3km, theo hướng đi điểm nước khoáng nóng Thanh Luông, Hua Pe. Homestay Mường Then được các chuyên gia hàng đầu về du lịch cộng đồng tại Việt Nam tư vấn, định hướng thiết kế, bố trí trên một khu đất rộng 6.000m2, phong cảnh yên bình, thơ mộng. Đến với Homestay Mường Then, khách du lịch Điện Biên được tiếp xúc với đồng bào dân tộc Thái bản địa, được trải nghiệm các giá trị văn hóa, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, các trò chơi dân gian dân tộc Thái, đi xe trâu, đi xe đạp thong dong ngắm cảnh bản làng...
Hay Homestay Phương Đức tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, cách phường Điện Biên Phủ khoảng 35km, mang đến cho du khách những trải nghiệm về bản sắc văn hóa con người nơi đây, tham gia tour đi bộ trong thôn bản, thăm Hầm đại tướng Võ Nguyên Giáp, đạp xe trong lòng hồ, thăm các nghề truyền thống, chèo thuyền, bè mảng dạo trên lòng hồ và thăm đảo hoa Anh đào.
Còn Homestay Mường Khoe, tọa lạc tại bản Bua 1, xã Búng Lao (trước là xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng), có khuôn viên rộng 7ha, khôi phục lại không gian văn hóa vùng cao, đưa đến những trải nghiệm lý thú cho du khách…
Múa xòe của người Điện Biên

Múa xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể dân chủ cao nên mọi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc mình. Múa xòe là di sản văn hóa quý giá của người Thái có sức sống bền vững trong nhân dân và có đến 36 động tác xòe. Tại tỉnh Điện Biên, có 6 điệu múa xòe phổ biến gồm: Điệu xòe Khăm khen (nắm tay nhau); Đổn hôn (bước tiến lùi); Phá xí (bước bốn); Nhôm khăn (tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm mọm tốp mư (vỗ tay đi vòng tròn).
Điệu xòe “Khắm khen” (nắm tay nhau) là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, có ý nghĩa biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Điệu xòe Đổn hôn (bước tiến lùi) tức là lúc người này tiến thì nguời kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.
Điệu xòe Phá xí (bước bốn) thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Cho dù là ai, dù có phải chia xa 4 phương trời, 10 phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn. Nhịp phách của điệu xòe này có thể theo nhịp 4/4 hoặc nhịp 2/4, tùy theo bước chân nhanh hoặc chậm, vừa đi vừa vào vòng tròn luôn hoặc có thể chia ra vào 4 nhịp, ra 4 nhịp để cho tất cả mọi người cùng dễ làm theo và dễ bắt chước mà vẫn mang đầy đủ tính chất nghệ thuật của múa xòe. Đạo cụ của điệu múa xòe này có thể dùng quạt, nón, khăn.
Điệu xòe Nhôm khăn (tung khăn) thể hiện sự nhịp nhàng, đều đặn như một của cộng đồng người Thái. Khăn luôn phải bằng nhau, không cao, không thấp, đưa lên bằng vai rồi hạ xuống. Tượng trưng cho sự đồng thuận giữa người với người, giữa các dân tộc với nhau. Cùng với chiếc khăn Piêu, khăn thổ cẩm choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu.
Điệu xòe Khắm khăn mơi lảu (nâng khăn mời rượu) là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái.
Điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” (vỗ tay đi vòng tròn) là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, thể hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.
Người Thái quan niệm rằng múa xòe thì phải vui. Càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày. Họ cùng nhau cười vui để bớt sầu lo, để cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe hoa, không chỉ giúp mỗi người tìm lại cảm giác thư thái và hứng khởi mà còn làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ xã hội thêm gắn bó hơn, dễ gần nhau hơn. Từ đó, nghệ thuật xòe trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng, trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết, sự kết tinh kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái; là cầu nối giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống con người Tây Bắc.
Điệu múa xòe truyền thống dân tộc Thái đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là tài sản chung của nhiều dân tộc sống trên rẻo cao Tây Bắc. Trong những lễ hội, trong ngày vui của bản làng, điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa. Tỉnh Điện Biên nổi tiếng là xứ sở của những vũ điệu xòe mê hoặc.
Điệu xòe mang tính tập thể, có tính giao lưu cộng đồng cao, nên số người tham gia không hạn chế. Ban đầu có thể vòng xòe chỉ 5 - 6 người, sau đó cứ bổ sung dần, không phân biệt già trẻ, gái trai, người trong làng bản hay người bản khác, thậm chí du khách cũng có thể tham dự vòng xòe. Vì đặc điểm này, múa xòe thường diễn ra ở những nơi rộng rãi, để ai cũng có thể tham gia xòe, càng đông người vòng xòe càng rộng.
Tại những chỗ không thể rộng vòng xòe hơn được nữa, người ta thường chủ động tách vòng xòe ra làm 2, 3 vòng tròn đồng tâm. Mỗi vòng xòe thường được xác định “tâm xòe” bởi một hũ rượu cần hoặc một đống lửa, khi ấy, vòng xòe này vận động theo chiều kim đồng hồ, thì vòng xòe kia vận động theo hướng ngược lại.
Lễ hội Đua thuyền đuôi én của người Điện Biên

Lễ hội Đua thuyền đuôi én Mường Lay được khôi phục và duy trì tổ chức thường niên từ năm 2015, vào mỗi độ chuyển giao thời khắc năm cũ và năm mới, và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây, thu hút đông đảo du khách thập phương cho một năm mới được mong chờ sẽ diễn ra tốt đẹp. Lễ hội Ðua thuyền đuôi én khẳng định ý nghĩa của một lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Thái trắng sinh sống trên mảnh đất ngã ba sông này.
Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay sẽ bắt đầu tại Bến thuyền Cơ khí Mường Lay. Tại đây, nghi thức “Tế” Thần sông nước cầu may cho các đội đua thuyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Mường Lay được các Nghệ nhân và đội phụ tế thực hiện một cách tỉ mỉ. Sau đó, cuộc tranh tài sôi nổi giữa 6 đội đua thuyền diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nức và sự cổ vũ của hàng ngàn du khách và người dân trên địa bàn.
Các đội tranh tài trên đường đua dài 1.000m từ cầu Cơ Khí - Nậm Cản đến Bản Hốc, phường Na Lay cũ. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động trưng bày các gian hàng sản phẩm truyền thống; phần thi đấu các môn thể thao dân tộc như: tung còn, đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, trò chơi dân gian chọi gà…
Mùa xuân hoa nở
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch hàng năm, khi hoa ban còn đang chớm nụ, người dân và du khách khi lên thăm Điện Biên sẽ được tận mắt chứng kiến khung cảnh vô cùng lãng mạn, đẹp như lạc vào miền cổ tích của những vườn hoa mận đang độ nở rộ, tỏa hương, khoe sắc.
Những cây mận ở Điện Biên được người dân trồng thành cả một đồi, cả thung lũng, rải khắp khu vực chân đèo Tằng Quái (xã Nà Tấu), Tà Lèng (phường Điện Biên Phủ - trước là xã Thanh Minh thuộc thành phố Điện Biên Phủ), xã Mường Phăng (trước là xã Pá Khoang thuộc thành phố Điện Biên Phủ)… Mỗi dịp xuân về, hoa mận bung nở trắng xóa cả vùng trời, trong làn sương sớm hay dưới ánh nắng rực rỡ, những cánh hoa mỏng manh, thanh khiết nổi bật trên nền trời xanh tạo nên vẻ đẹp lãng mạn giữa núi rừng trùng điệp của Tây Bắc. Hương thơm dịu ngọt thu hút các loài ong bướm đến hút nhụy, làm mật.
Đến với Điện Biên vào mùa xuân, du khách không chỉ được thấy sắc hồng của hoa đào phai - “đặc sản” nơi núi rừng Tây Bắc mà còn được chiêm ngưỡng một loài hoa rực rỡ của đất nước mặt trời mọc - hoa Anh đào - quốc hoa của đất nước Nhật Bản, đã được trồng thành công và phát triển rất tốt, nở hoa rực rỡ trên đảo Hoa, xã Mường Phăng (trước là xã Pá Khoang thuộc thành phố Điện Biên Phủ). Với người Nhật, loài hoa này không chỉ đơn thuần là tuyệt phẩm do thiên nhiên ban tặng, mà còn tượng trưng cho tuổi thanh xuân, vẻ đẹp cốt cách, tâm hồn con người và đặc biệt là tinh thần võ sĩ đạo.
Đến xã Mường Phăng mới, khách du lịch Điện Biên còn được trải nghiệm cảm giác mênh mông sông nước của vùng hồ Pá Khoang, được thưởng ngoạn non nước hữu tình, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân Tây Bắc.

Tháng 3, khi hoa Ban nở trắng những sườn đồi, thung lũng và làng bản thì cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang tại Tà Lèng, phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, được bao phủ một màu xanh mướt mắt. Tà Lèng có hơn 250 hộ dân thuộc 5 dân tộc anh em (Thái, Dao, Kinh, Mông và Khơ Mú) cùng sinh sống ở 3 bản Tà Lèng, Kê Nênh và Nà Nghè.
Mùa xuân là khoảng thời gian vụ mùa mới bắt đầu, lúa được gieo cấy tại ruộng bậc thang Tà Lèng, người dân cho nước vào những mảnh ruộng bậc thang, nước sẽ chảy từ trên cao xuống dưới thấp, dưới ánh nắng mặt trời, ruộng bậc thang Tà Lèng hiện ra với màu xanh mướt của lúa non tạo nên khung cảnh hùng vĩ, khoáng đạt, yên bình, trù phú, thơ mộng.
Đến với Điện Biên, ngoài cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, màu mỡ quanh năm cho 2 vụ lúa với thương hiệu gạo Điện Biên đặc sản nổi tiếng, ruộng bậc thang Tà Lèng cũng là một điểm đến thu hút của các bạn trẻ, những người yêu thiên nhiên, du lịch bởi chính nét đẹp bình dị, được kết tinh từ mồ hôi, công sức, thành quả lao động của người dân xứ mường trời.
Chợ phiên A Pa Chải
Như một điểm dừng chân không thể thiếu trên bước đường khám phá những miền đất, khách du lịch Điện Biên sẽ thấy Chợ ngã ba biên giới thật hấp dẫn. Đó là chợ A Pa Chải - đã được hình thành vào năm 2010.
Chợ A Pa Chải nằm trên vùng đất tiếp giáp giữa xã Sín Thầu thuộc tỉnh Điện Biên của Việt Nam và huyện Giang Thành thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc, được họp vào những ngày 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng, từ sáng sớm đến 5 giờ chiều. Để được vào chợ A Pa Chải, tất cả phải qua trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng A Pa Chải và trình chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu. Các phương tiện đi lại được tập trung tại một khu vực riêng và có các chiến sỹ trông coi cẩn thận, miễn phí cho người dân.
Nét độc đáo của phiên chợ nơi cực Tây tổ quốc chính là không khí giao hảo thông thương nơi đây. Dù là người Việt Nam hay Trung Quốc, người bán và người mua không nhất thiết phải biết tiếng nước bạn. Người cần mua chỉ chọn hàng và giơ lên, tức khắc người bán sẽ lấy máy tính chỉ ra số tiền. Trong ví của người bán luôn có sẵn tiền các mệnh giá của cả Trung Quốc và Việt Nam. Khi được hỏi giá, họ liền mở ví, cầm số tiền tương ứng ra để người kia biết giá. Cứ thế cho đến khi một cái gật đầu, nụ cười tươi rói giữa chủ và khách đánh dấu sự kết thúc của cuộc mua bán.
Chợ A Pa Chải, còn được gọi là chợ phiên Sín Thầu, ở xã Sín Thầu, khiến du khách say mê trước vẻ đẹp phiêu bồng của vùng núi quanh năm mây phủ, và nét văn hóa của bà con vùng cao với những đặc trưng độc đáo, riêng biệt làm hài lòng bất cứ vị khách khó tính nào.
Đi du lịch Điện Biên nên mua gì?
Du khách đến Điện Biên cũng đừng quên thử các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái nơi mảnh đất Điện Biên như: Cá nướng, Thịt lợn hun khói, Xôi ngũ sắc, Thịt lợn mán cuốn cải cay nướng, Sườn lợn nướng...
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên
Công ty TNHH Dịch vụ GrapAir Travel hân hạnh phục vụ Quý khách!
GrapAir đưa, đón sân bay Cam Ranh đi về Phan Rang - Phan Thiết - Mũi Né - Đà Lạt - Nha Trang, sân bay Liên Khương đi về Phan Rang - Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang, sân bay Tân Sơn Nhất - Sài Gòn đi về Phan Thiết - Mũi Né - Bình Thuận - Phan Rang - Mỹ Hòa - Ninh Thuận, sân bay Buôn Ma Thuột đi về Buôn Hồ - Ea H'leo - Buôn Đôn - Krông Bông - Ea Kar - Gia Nghĩa - Krông Nô ... đi lại, du lịch, lễ hội, cưới hỏi...
Hãy gọi GrapAir 0983 00 1155 với những dòng xe đời mới 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ, 30 chỗ và 45 chỗ phù hợp với các nhóm khách khác nhau - đi riêng một mình, cặp đôi, gia đình, nhóm bạn, họp lớp, hội khóa, họp mặt... với dàn xe xịn sò, tài xế chuyên nghiệp và mức chi phí cực hợp lý.
Kính mời Quý khách đăng ký sử dụng dịch vụ cho thuê xe đưa đón sân bay Cam Ranh, Nha Trang, ga Tháp Chàm, bến xe khách Ninh Thuận, Phan Rang và Ninh Chử bằng cách nhắn tin, gọi điện 0983001155 cung cấp thông tin: "Tên, số điện thoại, thông tin chuyến bay, số người, địa điểm,...". Chúng tôi sẽ liên lạc với Quý khách.
GrapAir cung cấp dịch vụ đưa đón sân bay, đi lại, du lịch, lễ hội, cưới hỏi… với giá hợp lý nhất. GrapAir cũng cung cấp khách sạn, homestay và cano để Quý khách lưu trú và khám phá những miền đất đẹp trọn vẹn nhất.
GrapAir cung cấp tour để Quý khách check in và trải nghiệm những gì đặc trưng nhất của các địa phương phía Nam Tổ quốc:
+ Tour Phan Rang - Trùng Sơn Cổ Tự - Cánh đồng muối - Vườn nho du lịch Thái An - Hang Rái - Vịnh Vĩnh Hy - Cung đường biển - Đồng cừu Suối Tiên - Điện gió.
+ Tour Phan Rang - Tháp Chàm Po Klong Garai - Trang trại nho Ba Mọi - Làng Gốm Bàu Trúc - Làng Dệt Mỹ Nghiệp - Bầu Sen - Đồng cừu Sơn Hải - Tanyoli - Mũi Dinh.
+ Tour Suối Tiên - Bàu Trắng - Mũi Né - Phan Thiết.
+ Tour Phan Rang - Đèo Ngoạn Mục - Đà Lạt - Hồ vô cực - Thác Datanla - Vườn hoa - Thiền viện Trúc Lâm - Chợ Đà Lạt - Đồi Mộng mơ - Đồi chè - Làng hoa Vạn Thành.
+ Tour Nha Trang: Hòn Chồng (Stacked rocks) - Tháp Po Nagar (Cham towers named Po Nagar) - Chợ Đầm (Dam market) - Nhà thờ Núi (Mountain church (or Stone church) - Bảo tàng ở Viện Hải dương học (Institute of Oceanography).
+ Tour Đắk Lắk: Chùa Sắc Tứ Khải Đoan - Biệt điện Bảo Đại - Khu du lịch sinh thái Kotam - Hồ Lăk - Khu du lịch sinh thái Trohbư Buôn Đôn - Thác Thủy Tiên.
+ Và Tour Theo YÊU CẦU Của Quý khách.
Chắc chắn Quý khách Sẽ HÀI LÒNG Và AN TÂM Khi Đến Với Chúng Tôi
GrapAir hân hạnh phục vụ Quý khách trên mọi cung đường!
GrapAir đưa, đón TẬN NƠI, phục vụ TẬN TÌNH, tài xế TẬN TÂM
THOẢI MÁI ĐI XA - KHÔNG LO VỀ GIÁ!
Liên hệ: +84 983 00 1155 (điện thoại, zalo, whatsapp, wechat)
E-mail: grapairtravel@gmail.com
Điện Biên,
du lịch Điện Biên,
hoa ban,
hoa mận,
múa xòe,
Điện Biên Phủ,
Mường Thanh,
Him Lam,
dốc Pha Đin,
chợ A Pa Chải,
hang Thẳm Khến,
hang động Chua Ta,
hang động Khó Chua La,
hang động Xá Nhè,
hang động Huổi Cang,
Huổi Đáp múa xòe,
người Thái,
đua thuyền đuôi én