Chào mừng Quý khách đến với dịch vụ xe Đưa đón sân bay - Du lịch của Công ty TNHH Dịch vụ GrapAir Travel

Khám phá văn hóa Chăm đậm đà bản sắc

Hiện nay, người Chăm ở Ninh Thuận có số dân đông nhất, chiếm gần 50% người Chăm ở Việt Nam. Họ sống tập trung thành từng làng (palei) riêng biệt và bảo lưu đậm nét nhiều tập tục truyền thống như nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, tục cưới gả, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn chương, làng nghề… mang bản sắc văn hoá riêng. GrapAir 0983001155 giúp Quý khách khám phá văn hóa Chăm đậm đà bản sắc ở kinh đô Chăm-pa Panduranga xưa - Ninh Thuận ngày nay.

Khám phá văn hóa Chăm đậm đà bản sắc

Hệ mẹ của người Chăm

Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ. Sinh hoạt làng (palei), gia đình (mưngawôm), tộc họ (gơp tian) của người Chăm phản ánh đậm nét chế độ mẫu hệ thể hiện trên các mặt: sự phân hoá xã hội, quan hệ về gia đình và hình thức hôn nhân; hình thái tín ngưỡng; phương thức sản xuất và quyền sở hữu tài sản…

Palei Chăm được tổ chức theo hình thái gia đình mẫu hệ, bao gồm gia đình lớn (mưngawôm pruang) và gia đình nhỏ (mư ngawôm sít). Thành viên cơ bản trong gia đình được tính theo huyết thống bên mẹ. Trong mỗi gia đình có đàn bà lớn tuổi đứng đầu gọi là “Po sang” (chủ nhà). Các gia đình có cùng chung một mẹ sinh ra thường bố trí chung nhà cửa trong một khuôn viên. Tương tự như vậy, các gia đình chung một dòng họ phía mẹ thường bố trí nhà cửa cùng dãy với nhau. Mỗi dòng họ có một tộc trưởng đứng đầu gọi là “akauk gơp”. Ngày xưa trưởng tộc là đàn bà, ngày nay được thay thế bởi đàn ông, có nhiệm vụ quản lí các thành viên, giải quyết những vấn đề thắc mắc giữa các thành viên và chăm lo, tổ chức cúng tế những lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến tộc họ. Mỗi dòng họ trong làng được phân biệt với nhau bằng nghĩa địa của dòng họ mẹ (kút, ghôr). Mỗi dòng họ có một vật thờ tổ gọi là “Chiết atâu”.

Đơn vị căn bản của hệ thống thân tộc của người Chăm là mẫu hệ gia tộc. Những mối quan hệ bên mẹ là quan hệ thân thuộc và quan trọng nhất. Tổ tiên được thờ phụng là tổ tiên bên mẹ. Quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái út. Phụ nữ Chăm nắm quyền quyết định trong gia đình. Những người trong cùng một dòng họ thì được chôn cất cùng một nơi theo huyết hệ mẹ. Cơ chế xã hội truyền thống người Chăm gắn bó chặt chẽ với nhau và được vận hành bằng luật tục (adat), sinh sống trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, cùng nhau bảo vệ, lưu giữ thuần phong mỹ tục và những giá trị văn hoá của tổ tiên, trở thành cái nôi bảo tồn và lưu giữ văn hoá cũng như những lễ hội Chăm trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Người Chăm có lễ Cambur (vào 15/9 lịch Chăm) để tưởng nhớ ông bà tổ tiên bên mẹ, cũng là dịp sùng kính Mẹ xứ sở Ponagar (nữ thần Po Inư Nưgar dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải) - vị thần lớn nhất của người Chăm. Lễ hội Tháp Bà Ponagar, tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ lâu đã là nơi hội tụ của các tộc Chăm, Raglai, Kinh và các cộng đồng khác ở miền Trung và Tây Nguyên. Hàng năm, những ngày diễn ra lễ hội, bà con nhân dân khắp nơi hành hương về Tháp Bà để cảm tạ ơn Mẫu và cầu xin Mẫu ban cho có sức khỏe, làm ăn được no đủ, tránh mọi tai ương, bệnh tật… Đức Mẹ Ponagar là người mẹ tinh thần giúp các thế hệ người Chăm mạnh mẽ và có niềm tin để vượt qua những khó khăn, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ở Ninh Thuận, có ba địa điểm hành lễ là đền thờ Ponagar (ở làng Chăm Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), tháp Po Romé (ở gần làng Chăm Hậu Sanh, huyện Ninh Phước) và tháp Po Klong Garai (cách Phan Rang 5km theo đường quốc lộ 27 từ Phan Rang đi Đà Lạt). Theo niềm tin dân gian, những ai có nhu cầu được buôn may bán đắt, học hành tấn tới thì đến cầu Po Klong Garai, muốn có sức mạnh, uy dũng thì tìm đến Po Romé, còn muốn cầu tự thì tìm đến với Ponagar.

Lễ hội lớn của người Chăm

LỄ HỘI RAMƯWAN

Hằng năm, vào dịp đầu năm của lịch Chăm (khoảng tháng 4 dương lịch), người Chăm Hồi giáo ở Ninh Thuận tổ chức lễ hội cổ truyền Ramưwan với ý nghĩa báo công, báo hiếu đối với người đã khuất. Người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận theo 03 tôn giáo: Chăm Ahier (người Chăm theo đạo Bà-la-môn), Chăm Awal (người Chăm Bàni) và Cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam. Người Chăm Bàni và Islam coi lễ hội Ramưwan là ngày Tết dân tộc của họ. Tết Ramưwan là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt với 3 nghi lễ quan trọng: đi tảo mộ, cúng gia tiên và lên chùa/thánh đường.

Trong lễ tảo mộ của Ramưwan, sau khi vun vén cho ngôi mộ, thầy char (chủ lễ tế mộ) tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế và làm cho người chết được sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó dùng một cái tách nhỏ đựng dầu và một ít bông gòn chấm lên hòn đá (bia mộ), gọi là nghi thức xức dầu lên ngôi mộ. Gia đình bày biện đồ cúng, thầy char ngồi đọc kinh, trong khi thân nhân, con cháu quỳ đối diện van vái. Những người đàn ông đã qua nghi lễ Aia karak ngồi trước hàng mộ đọc kinh cầu nguyện, thỉnh mời ông bà, tổ tiên đã khuất về nhà để con cháu cúng kính. Những người phụ nữ khi đi tảo mộ đều mặc áo dài trắng, quấn khăn Brăm trắng trên đầu, dù lễ diễn ra dưới cái nắng chói chang giữa mùa Hè nhưng họ vẫn lạy và nằm úp mặt sát mặt cát nóng bỏng. Bất kể nghĩa trang có xa và đi lại vất vả, người Chăm vẫn cố gắng đi thăm viếng hết dòng tộc để bày tỏ lòng tưởng nhớ tổ tiên.

Sau lễ tảo mộ, mỗi gia đình sắm lễ vật để cúng gia tiên với nghi thức cầu khấn tên một vị thần, vị tổ tiên phù hộ an lành cho toàn gia tộc, xóm làng. Trong mỗi gia đình đều bố trí một không gian thiêng liêng dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tổ tiên. Thông thường, người ta chuẩn bị một tấm phản trên đó có đặt cái gối, cơi trầu, ấm nước trà, trái cây và bánh ngọt... Lễ vật cúng gia tiên thường chỉ có gỏi, thịt gà luộc, rượu, trầu cau, bánh trái. Lễ vật ăn dâng lên cho tổ tiên gồm có hai phần: mâm chay và mâm mặn. Mâm chay thường có chè, xôi, chuối, bánh tét và bánh sakaya; mâm mặn thường có cơm canh, thịt gà luộc. Lần lượt người ta thỉnh mời từng vị tổ tiên đến ăn lễ. Những đại gia đình nào có đông tổ tiên thì việc dâng cơm kéo dài rất nhiều thời gian, vì phải thỉnh mời từng vị một và dâng lễ gồm có 1 món ăn chay và 1 món ăn mặn. Lúc dâng cơm thì người phụ nữ, con cháu chắp tay lên đầu cầu nguyện tổ tiên về sum họp, phù hộ độ trì cho gia đình luôn luôn khỏe mạnh, làm ăn phát tài.

Trong tháng Ramưwan, các thầy tu thực hành chay tịnh, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn, mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra tại chùa Bàni hoặc thánh đường Islam trong suốt một tháng. Đồng thời, họ cũng phải thực hiện nghiêm ngặt những quy định trong giáo điều Bàni như lễ đọc kinh, lễ vào ngày thứ sáu hàng tuần, lễ “nam thần giáng thế”, “nữ thần giáng thế” và cuối cùng là lễ kết thúc Ramưwan vào ngày thứ 30 của tháng chay trước khi trở về với gia đình. Trong khi đó, những người khác hào hứng vui chơi, tiệc tùng từ gia đình này sang gia đình khác. Trong tháng Ramưwan, các làng Chăm tổ chức văn nghệ, trò chơi dân gian, thể thao... để các dân tộc khác đến chung vui, kết tình thân hữu, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Lễ hội Ramưwan là sợi dây giao cảm với Thượng đế và ông bà tổ tiên trong đời sống tâm linh của mỗi một tín đồ Chăm Bàni và Islam. 

LỄ HỘI KATÊ

Lễ hội Katê để tưởng nhớ thần Cha của người Chăm Bà-la-môn, được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm - khoảng tháng 9-10 Dương lịch). Lễ hội Katê ở Ninh Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2017. 

https://grapair.vn/le-hoi-kate

z3861103575946_34cd67772765f23333222eb39169f10b 

Katê là lễ cúng để tưởng nhớ thần Cha, còn Cambur là Lễ cúng tưởng nhớ thần Mẹ. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm), Cambur được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở các đền và tháp.

Lễ hội Katê kéo dài cả tháng, từ phần lễ ở các đền, tháp đến phần lễ hội ở các làng, và ở các gia đình, dòng tộc. Các làng chọn ra các ngày thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần để tổ chức đồng thời thông báo cho cả làng biết và mang bánh trái đến cúng thần làng tại nhà làng và tưởng nhớ những người có công đối với làng. Sau đó, được tổ chức trong gia đình nhà Cả sư Po Adhia rồi mới đến các gia đình dòng tộc khác.

Lịch lễ hội Katê ở Ninh Thuận:

* Ngày trước lễ chính: 13h30, nhân dân các thôn Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước tổ chức lễ đón, rước y trang Mẹ xứ sở Po Inư Nưgar từ đồng bào người Raglai thôn Tà Nô, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam về đền thờ bà trong thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

* Ngày lễ chính: 6h30 sẽ diễn ra lễ rước y trang Mẹ Po Inư Nưgar từ đền thờ trong ra đền thờ ngoài thuộc thôn Hữu Đức; rước y trang vua Po Klong Garai từ đền thờ ông ở thôn Phước Đồng 2, thuộc xã Phước Hậu lên tháp Po Klong Garai thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; rước y trang vua Po Romé từ đền thờ ông trong thôn Hậu Sanh lên tháp Po Romé thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước;

* Các ngày sau lễ chính: tổ chức Lễ hội Katê tại các làng Chăm theo đạo Bà-la-môn thuộc 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thôn Thành Ý thuộc xã Thành Hải, thành phố Phan Rang -Tháp Chàm.

Lịch Lễ hội Katê (Katé) một số năm: Lễ chính Peh Bambeng Bamong nhằm mồng 1 tháng 7 lịch Chăm vào ngày 24/10/2022, 14/10/2023, 02/10/2024, 21/9/2025, 09/9/2026, 29/09/2027, 18/09/2028, 07/10/2029, 26/09/2030.

Những tháp cổ mặc trầm kỳ bí

Những ngôi đền tháp của người Chăm chịu sự ảnh hưởng rõ nét của nền văn minh Ấn Độ, thờ các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ và về kĩ thuật xây dựng, như việc chọn các vật liệu có tính năng bền vững, các môtip, hình thể tháp - hình ngọn núi Sikhara. Và cũng mang nét đặc trưng riêng thể hiện văn hóa Chăm - thờ những nhân thần người Chăm, vua Chăm - và văn hóa Việt - hình tượng ngọn lửa ở các góc tháp như hình tượng rồng chầu nguyệt ở các ngôi đình người Việt. Hầu hết tháp Chăm đều là lăng mộ thờ vua, hoặc là đền thờ thần bảo trợ của nhà vua nên bên trong tháp rất chật hẹp, thường chỉ đủ chỗ cho các pháp sư hành lễ trong những lễ hội thường niên của người Chăm: Katê, Ramưwan...

Những đền tháp này là những bằng chứng kiến trúc duy nhất còn lại của dân tộc Chăm và vẫn thu hút du khách khắp nơi không chỉ bởi những bí ẩn về phương pháp xây dựng mà còn bởi nghệ thuật chạm khắc tinh tế và vẻ sừng sững uy nghi trước nắng, gió và thời gian.

THÁP CHÀM PO KLONG GARAI - VẺ ĐẸP THỜI GIAN

Tháp Po Klong Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nằm trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 9km về hướng Tây Bắc. Hiện nay ở đây còn lại ba ngôi tháp xây bằng gạch Chăm. Đó là tháp Cổng (cao 8,56m), tháp Lửa (cao 9,31m) và tháp Chính (cao 21,59m, mỗi cạnh rộng hơn 10m) - tháp thờ vua Po Klong Garai - vị vua có nhiều công lao đối với sự phát triển của người Chăm-pa.

Bố cục và cấu trúc của mỗi tháp là những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo phản ánh đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được chạm khắc trang trí bằng các họa tiết gốm, đá với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần, những nét chạm khắc trực tiếp lên thân tháp quang cảnh sinh hoạt, múa hát trong cung đình của các vũ nữ Apsara, các nhân vật trong sử thi Mahabrata hay các thần hộ pháp.

z3976195542582_181227aa5a59da16d7ad655d8b942e50 

Truyền thuyết kể rằng, Po Ong vốn là một đứa bé trai được sinh ra bởi người mẹ nhờ uống nước ở giữa tảng đá mà mang thai sinh ra cậu. Mẹ cậu từng là đứa trẻ xinh xắn ở trong bọc trôi giữa sông Cái được một cặp vợ chồng già người Chăm hiếm muộn đem về nuôi. Tuy ghẻ lở đầy mình từ khi sinh ra, Po Ong vẫn đi chăn bò cho nhà vua và luôn đảm bảo cho đàn bò được ăn no và về chuồng đầy đủ. Một ngày, khi Po Ong cùng với bạn mình là Po Klong Chanh đi buôn trầu, nghỉ chân ở đồi Trầu, tới lượt Po Klong Chanh đi lấy cơm còn Po Ong nằm thiếp đi lúc nào không hay. Khi Chanh trở lại, đã thấy một con rồng liếm khắp thân thể của Po Ong và biến Po Ong thành một chàng trai đẹp lạ thường.

Khi nhà vua băng hà mà không có người nối ngôi, con voi trắng trong hoàng cung đã chạy đến chỗ Po Ong ở, quỳ gối và đưa vòi ra như mời chàng ngồi lên, rồi đưa Po Ong về hoàng cung và Po Ong được tôn lên làm vua. Do có người không phục nên Po Ong buồn lòng, bỏ lên núi đi tu. Sau đó, đất nước xảy ra nhiều dịch bệnh, mất mùa... nên triều đình và dân chúng rước chàng về và tên gọi Po Klong Garai - Đức vua trở lại - ra đời.

Đức vua có tài dẫn thủy nhập điền, làm đập ngăn nước, tạo mương đưa nước vào ruộng đồng, và là người mưu trí, ổn định đất nước, chống người Khơme xâm lược. Sau khi đã lo cho dân được ấm no, vua Po Klong Garai hoá thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng. Nhớ ơn vua, dân chúng tạc tượng ngài, thờ trong ngôi tháp mà chính ngài đã dựng lên và giành chiến thắng trong cuộc đọ tài với Po Dam - người dèm pha và không phục vua, từ đó ngôi tháp mang luôn tên ngài - tháp Po Klong Garai.

THÁP PO ROMÉ

Tháp Po Romé được xây dựng vào thế kỷ XVII, cách quốc lộ 1 khoảng 3km về phía Tây Nam. Tháp thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây được coi là một bản sao không hoàn hảo của tháp Po Klong Garai. Ở đây có tháp chính thờ vua Po Romé (1627 - 1651), một trong những vị vua được người Chăm hóa thần, có công phát triển nông nghiệp, thủy lợi ở vùng Panduranga và tháp phụ thờ hoàng hậu Bia Thanh Chanh. Tháp xây trên đồi Bolcho gần làng Hậu Sanh (Play Thor). Dưới chân đồi có một khe nước chảy qua, bao quanh đồi là những cánh đồng lúa.

Tháp Po Romé được xây đơn sơ hơn so với các tháp trước đó, nhưng vẫn là một công trình bằng gạch bề thế, hùng tráng của người Chăm, có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, là một trong rất ít tháp còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Cửa ra vào tháp chính ngoảnh về hướng Đông. Ngoài hai tháp trên, còn có hai miếu nhỏ. Một ở phía Tây Nam của tháp chính thờ tượng hoàng hậu Bia Than Chih, một ở phía Đông Bắc, bên trong có để một cái bia hình vuông, miếu này hiện không còn. Dưới đồi tháp có tượng hai con sư tử, người Chăm gọi là Rác đã bị rơi xuống khe suối vỡ nát.

Tháp Po Romé có 3 tầng mái tuân theo mẫu cổ, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Mỗi tầng có 4 vị thần trấn giữ. Thần nào rớt xuống thì nhân dân làm miếu thờ và đặt tên riêng. Tượng xây trong miếu năm 1962 đã bị đổ là tượng của một vị thần bị rớt. Bên góc lối đi vào tháp có tượng thần bò Nandin được tạc từ một phiến đá xanh đen.

Tháp chính cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m, bên trong thân tháp có tượng vua Po Romé cao khoảng 1,2m. Ngoài tượng vua, còn có một tượng bán thân nữ mà người Chăm gọi là tượng hoàng hậu Bia Thanh Chanh cao khoảng 0,75m, còn bên ngoài tháp là tượng bà hoàng hậu Bia Than Chih. Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm cấp quốc gia vào ngày 31/08/1992.

Trang phục của người Chăm

TRANG PHỤC PHỤ NỮ CHĂM

Áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài bít tà, mặc chui đầu được gọi là “Aw loah” (áo có 3 lỗ): một lỗ chui đầu và hai ống tay. Áo được cấu tạo bằng 7 mảnh vải may ghép với nhau, gọi là “aw kauk kaung”, chạy dài từ vai xuống ngang bụng thì dừng lại. Vì khổ vải của khung dệt ngày xưa không cho phép vải rộng quá 1m nên áo là những tấm vải ghép lại (kauk kuang) thành hình ống bó thân người mặc. Mỗi áo đều có hai màu: đen-đỏ-xanh-trắng hoặc tím, vàng, là những tấm vải thô, trơn không có trang trí hoa văn. Phụ nữ trẻ, khi mặc đi hội, thường choàng loại dây thắt lưng có thêu hoa văn trước ngực và buộc xung quanh lưng gọi là “Taley kabak”. 

Ngày nay, do kỹ thuật dệt đã mở rộng được khổ vải nên áo được may bằng 4 mảnh vải cùng màu nối nhau. Phụ nữ Chăm trẻ thường mặc áo dài đến quá đầu gối phủ lên váy mặc, may hơi bó tay, thân hơi phình rộng, ở hai bên hông áo “dwa boong” mở một đường, có may thêm hàng khuy bấm hoặc nút dính gọi là “aw eo”. Phụ nữ Chăm xưa, ngoài mặc áo dài, bên trong có áo lót gọi là áo klăm, giống như yếm của người Kinh, gồm có mảnh vải nhỏ che ngực, và dải vải nhỏ buộc qua vai và lưng. Ngày nay áo này không được mặc phổ biến mà thay vào đó là “áo nhỏ” giống như áo lót bên trong của người Kinh.

Váy người Chăm có hai loại: váy kín và váy mở. Váy mở (aban) là loại váy quấn bằng tấm vải, hai mép vải không may dính vào nhau, khi mặc cạp váy được xếp vào và lận vào bên trong giữ chặt eo hông. Váy kín (khan) có hai mép đầu vải được may dính vào nhau tạo hình ống. Phụ nữ lớn tuổi thường mặc váy mở - có nhiều hoa văn trang trí và có may cạp váy, còn váy kín dành cho phụ nữ trẻ tuổi, không có hoa văn trang trí.

Váy Chăm là loại sarong, được mặc phổ biến, có kích thước (160cm x 90cm). Căn cứ vào kỹ thuật dệt, hoa văn trang trí mà có tên các loại váy khác nhau: Váy dệt có đường viền (đường sọc đứng); Váy không có đường viền; Váy có cạp (loại biyor). Hoa văn được kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau trên màu nền như đen, đỏ, xanh tạo nên nhiều kiểu dáng: hình quả trám (bingu tamun), hình con thằn lằn (kachak), hình 4 cánh (tuk riteh), hình ô vuông (bingu caor)...

Váy Chăm thường may cạp ở rèm chân theo chiều ngang hoặc chiều dài của váy gọi là jih hoặc biyon. Phụ nữ bình dân thường mặc váy có hình quả trám (bingu tamum), hoa văn hình dây leo (biyon hareh). Phụ nữ quí tộc mặc váy có nhiều hoa văn, phổ biến là hoa văn 4 cánh (bingu riteh) và váy dành cho hoàng tộc dệt thêm những sợi chỉ bằng vàng, bạc. Phụ nữ lớn tuổi mặc váy có hoa văn hình hạt lúa nổ (bingu kamang) - loại váy này không phổ biến, khi dệt phải cúng tổ nghề Po Nưgar một cặp gà.

Cùng với váy, phụ nữ Chăm còn mặc một loại “khan” (khăn mặc) có kích thước khoảng (142cm x 77cm), có nền màu trắng, đen, xanh, vàng... có hoa văn phủ kín trên bề mặt (hoa văn quả trám, hoa cà dược, hoa văn mắc lưới, hoa văn caro/hình vuông). Khăn mặc còn dùng để choàng, đắp ngủ trong mùa có thời tiết lạnh.

Khăn đội đầu (tanrak) của phụ nữ Chăm thường dệt bằng vải thô màu trắng, xanh, đỏ, vàng... có kích thước (129cm x 32cm), có dệt loại hoa văn quả trám cùng màu phủ kín mặt vải. Khăn đội đầu của người Chăm Bà-Ni thường màu trắng, có may thêm cạp vải hoa văn theo dọc đường biên của khăn gọi là “khăn mbram”. Phụ nữ Chăm Bàlamôn bình dân thường thích đội khăn màu trơn, không may cạp vải hoa văn. Ngoài ra, còn có loại khăn choàng vai, khăn cầm tay màu đỏ và hộp túi vải để đựng trầu cau. 

Cách đội khăn của người Chăm là quấn lên đầu, vòng từ sau ra trước, một phần trùm xuống đỉnh đầu, rồi hai mép gập lại, buông chùng xuống hai tai. Ngày nay, việc đội khăn truyền thống chỉ còn lại ở phụ nữ lớn tuổi, giới trẻ đội nón, chỉ đội khăn truyền thống trong những dịp lễ hội.

TRANG PHỤC NAM GIỚI CHĂM

Đàn ông Chăm có truyền thống mặc áo ngắn (aw lah) được may bởi 6 mảnh vải (do khổ vải chỉ được đến một mét): mặt thân sau có hai mảnh vải được may dính vào nhau tạo thành một đường viền chạy dọc theo sóng lưng, thân trước cũng gồm hai mảnh vải ghép lại; và hai mảnh còn lại là hai ống tay. Áo chỉ xuống đến mông, xẻ hai bên hông khoảng 20cm, ở phía trước có đường xẻ, đính khuy và hai bên vạt trước có hai túi. Cổ áo thường là cổ tròn đứng, ôm sát cổ. Áo thường có nhiều màu: trắng, đỏ, xanh, vàng... nhưng không có trang trí hoa văn.

Nam giới Chăm còn có áo dài (aw tah), được dệt bằng vải thô màu trắng, may ghép bởi nhiều mảnh. Áo tah không xẻ thân phía trước, không có hàng khuy mà chỉ xẻ một đường xiên trước ngực, dùng dây để buộc thay nút. Loại áo mặc chui đầu (aw loah) và phủ dài đến đầu gối hiện không được mặc phổ biến, chỉ được mặc trong các nghi lễ.

Theo truyền thống từ xa xưa, tất cả người Chăm, cả đàn bà và đàn ông, đều mặc váy (sarông). Thông thường ngày nay, đàn ông mặc "khan" - khăn mặc. Khăn mặc của đàn ông bình dân được dệt bằng vải thô màu trắng, không có hoa văn trang trí. Đàn ông quí tộc mặc khan cũng màu trắng nhưng dệt bằng tơ, có hoa văn quả trám phủ kín bề mặt. Cách mặc váy, khăn mặc của đàn ông cũng giống như của phụ nữ.

Đàn ông Chăm còn buộc dây lưng - rộng khoảng 10cm-25cm dài khoảng 180cm-250cm, khi mặc váy; có ba loại:

- Loại thường dệt bằng vải thô (cotton) màu trắng trơn, không có dệt hoa văn, khổ hẹp, thường dùng cho người đàn ông bình dân.

- Loại dây lưng dệt bằng tơ, có thêu nhiều hoa văn màu sắc sặc sỡ, có khổ rộng, có hoa văn quả trám, hoa văn mắt gà, hoa văn hình neo thuyền... thường dùng cho giai cấp quí tộc.

- Loại dây thắt lưng có khổ rộng khoảng 10cm, được dệt hai mặt hoa văn nổi. Hoa văn thường bố trí thành một dải nhiều hình xen kẽ nhau với màu sắc sặc sỡ như hoa văn quả trám, hoa văn chân chó, hoa văn hình móc mỏ neo, hoa văn hình rồng, hình người... chỉ dùng cho vua chúa và chức sắc tôn giáo.

Cách buộc dây thắt lưng của người Chăm là quấn một vòng qua lưng rồi buộc gút lại, thả chùng hai đầu dây có tua ra phía trước.

Đồ đội đầu của đàn ông Chăm chủ yếu là khăn. Đàn ông bình dân sử dụng khăn dệt trơn bằng vải thô trắng và đàn ông quí tộc thì đội khăn có dệt hoa văn hình quả trám cùng màu trắng phủ kín lên mặt vải. Ngoài khăn đội đầu người đàn ông Chăm còn có khăn vắt vai, túi nhỏ đeo vai và túi đựng thuốc hút.

Cách đội khăn của Chăm là quấn vòng lên đầu từ phía sau ra phía trước, rồi thả hai mép gập lại, buông chùng xuống ở gần hai tai. Đàn ông trẻ tuổi không đội khăn mà chỉ vắt khăn chéo qua vai. Cũng như phụ nữ Chăm, ngày nay việc đội khăn truyền thống chỉ có ở đàn ông lớn tuổi, còn giới trẻ đội nón, chỉ đội khăn truyền thống trong những dịp lễ hội.

Làng nghề truyền thống của người Chăm

LÀNG DỆT CỔ MỸ NGHIỆP

Ẩn sau chiếc cổng chào hiện đại, người Chăm ở Mỹ Nghiệp - cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 12km về phía nam theo quốc lộ 1A - vẫn bền bỉ, nhẫn nại sử dụng hệ thống làm sợi, dệt vải và may mặc thủ công như đã có từ những đời cha ông trước đó. Cùng với làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp được coi là hai đại diện tinh hoa của đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và là điểm nhấn tham quan hấp dẫn của tỉnh.

Truyện kể rằng, khi làng có tên Chăm là Ca Klaing, vào thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông lấy tơ dệt vải, bà đã truyền lại nghề cho hai vợ chồng Xa và Chaleng đang sinh sống ở làng. Từ đó, làng phát triển nghề dệt, may đến tận ngày nay. ​Nét cổ của làng nghề là việc người dân dệt vải theo cách thủ công truyền thống, không hề sử dụng máy móc hiện đại và bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn ông bà để lại như: chất liệu, hoa văn, bí quyết phối màu hay màu nhuộm.

Nguyên liệu chính làm nên thương hiệu dệt Mỹ Nghiệp chính là cây bông vải được trồng tại chính địa phương. Bông, sau khi thu hoạch, được tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống, đánh bóng rồi đem phơi... Khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm và thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng mà vẫn hài hòa. Các màu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, như màu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non, màu đỏ từ mủ cây cánh kiến, màu xanh từ lá vỏ cây tràm... Màu đen là màu chủ đạo, màu nền cho những tấm vải ở đây.

Việc chọn màu, phối màu, tạo những hoa văn tinh xảo làm nên sự độc đáo, riêng có của từng tấm vải, đòi hỏi người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như những họa sĩ thực thụ. Mỗi nghệ nhân lại sáng tạo theo một phong cách khác nhau, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm Chăm vô cùng phong phú. Đó là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Mỹ Nghiệp. Ở đây, phụ nữ thường dệt vải, đàn ông thường cắt, may thành sản phẩm.

Khách du lịch Ninh Thuận sẽ được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm cần mẫn luồn từng sợi chỉ dệt thổ cẩm, có khi mất mấy ngày mới xong một sản phẩm. Và khó tìm được sự lặp lại, trùng nhau về hoa văn, kiểu cách dù các tấm vải cùng do một nghệ nhân làm ra. Các biểu tượng hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc Chăm: hình quả trám, hình rồng cách điệu, thần đèn, thần Siva... và gần đây có thêm hình voi Tây Nguyên, hoa mai... Ngoài sản phẩm tấm thổ cẩm thô, làng Mỹ Nghiệp hiện tại đã có rất nhiều sản phẩm đa dạng khác, như: khăn rằn, khăn Chăm, túi xách, ví, áo sơ mi, áo khoác, váy, mũ, khăn trải bàn, khăn trải giường...

Du khách còn được xem, nghe, kể về văn hóa của đồng bào Chăm và những câu chuyện về nghề dệt ở nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt ngay trung tâm làng. Những tấm thổ cẩm sống động đầy màu sắc lạ, vừa chân phương vừa mộc mạc về chất liệu và cách thể hiện đường nét, hoa văn… mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Chăm. Khách du lịch Ninh Thuận cũng có cơ hội chạm vào những dụng cụ của dệt, may, vào chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt, giúp người thợ đánh go tạo hoa văn khi dệt thổ cẩm.

LÀNG GỐM CỔ BÀU TRÚC

Làng gốm Bàu Trúc - tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok - thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 10km về phía Nam - là một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Làng gốm Bàu Trúc còn được coi như một bảo tàng gốm truyền thống của dân tộc Chăm. 

Người thợ khéo léo nặn từng đường cong, đường lượn... tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú hoàn toàn bằng tay mà không dùng bàn xoay như những nơi khác. 

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. 

Nghề làm gốm ở đây công phu từ vật liệu; đó là loại đất sét đặc biệt được tái sinh theo chu kỳ vài ba năm sau khi khai thác tại cánh đồng Hamu Tanu Halan bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc, được đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn, đào hố ủ qua một đêm với lượng nước vừa phải. Lượng cát được trộn vào tuỳ thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Các nguyên liệu (đất sét, cát, nước, củi và rơm) đều được khai thác tại chỗ. Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ như: vòng quơ, vòng cạo (bằng tre) để cạo mỏng thân gốm, và vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm. Tất cả làm nên sự khác biệt của gốm Bàu Trúc.

Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng, mang âm hưởng nghệ thuật Chăm.

Gốm Chăm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C, trước tiên được nung trong vòng 6 giờ, sau đó được phun màu (màu được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bầu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ “lung linh của nền văn hoá Chăm-pa”. Về Ninh Thuận, du khách có thể nhìn thấy những lò làm bánh căn hay bánh xèo, chính là những sản phẩm gốm của người Chăm, và chỉ những lò ấy mới làm ra thứ bánh thơm ngon ấy.

Hàng năm, người dân làng Bàu Trúc giỗ tổ nghề gốm ngay sau Lễ hội Katê. Đây là dịp người dân làng nghề tưởng nhớ công ơn của tổ dạy dân làng làm gốm, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Tương truyền, ông Po Klong Chanh cùng vợ là bà Nai Lank Mưh đã dạy cho phụ nữ Chăm ở làng Bàu Trúc làm gốm từ xa xưa và nghề gốm được gìn giữ, phát triển bền vững đến ngày nay. 

Từ sáng sớm, dân làng nô nức đưa vật phẩm gồm bánh trái, hoa quả, trầu cau ra đền giỗ tổ Po Klong Chanh trên vùng đất Xóm Cũ, cách làng Bàu Trúc khoảng 2 km về hướng Tây - Bắc. Đền thờ tổ nghề đã được Nhà nước hỗ trợ và nhân dân địa phương đóng góp trên 1 tỷ đồng xây dựng mới khang trang, phục vụ nhu cầu phụng thờ tổ nghề gốm Chăm.

Phong tục cúng tổ nghề gốm do ông Kà thành, bà bóng, ông thủ đền đảm nhận trước sự chứng kiến của các vị chức sắc Bàlamôn. Bà bóng và ông thủ đền lo việc tắm tượng, mặc y phục cho tượng thờ. Ông Kà thành vừa đàn Kanhi, vừa hát ngợi ca công đức tổ nghề và cầu mong xóm làng bình an, may mắn, thịnh vượng. Dân làng bày vật phẩm cúng kính cầu mong nghề gốm phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc...

Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường, từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, tháp Chăm, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày của cư dân phương Nam như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi... 

Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vào hồi 16h12 ngày 29/11/2022 giờ địa phương (tức 22h12 ngày 29/11/2022 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO. 

Múa Chăm

Với người Chăm, múa là sự giao tiếp giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Con người gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, sức khỏe để sống và phục vụ cho thế giới hiện tại và cúng tế Thần Yang. Lễ hội của người Chăm thường gắn với các điệu múa: Vũ điệu dâng lễ, múa đội nước, múa Apsara, múa đạp lửa,... đi cùng với âm điệu của tiếng kèn saranai, trống ghi - năng (gineng), paranưng.

Người Chămpa có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ. Hầu hết các điệu múa đều mang sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng (các thần linh) và múa cung đình (lễ nghi). Bên cạnh các vũ điệu của thần Siva, nữ thần Uma, nữ thần Apsara… đều là những điệu múa quen thuộc, được thể hiện bởi cá nhân hay tập thể, dân gian Chăm có bốn điệu múa chính là múa quạt, múa đội nước, múa khăn, múa đạp lửa. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như Patra, Chaligia. Ngoài ra, người Chămpa còn có những điệu múa sinh hoạt, hội hè. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ phụ nữ Chămpa nào cũng biết.

Vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp. Vũ nữ Chăm thường đội trên đầu cây nến, nước, hoa trái, trầu cau… để dâng mừng các vị thần. Vật để đội là chiếc Thong hala 3 tầng, người ta gọi là “cỗ bồng trầu”, vì vật dâng lễ chủ yếu bằng lá trầu được tạo hình cân đối như một tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là biểu tượng của vị đại nữ thần Po Bar Gina của người Chăm. Khi đội trên đầu thì nó tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm, nhất là khi họ trình diễn các điệu múa nơi đền tháp. Trong lễ hội Chăm, vũ điệu dâng lễ là nghi thức quan trọng và linh thiêng. Các cô gái múa trước cửa tháp, trên đầu đội những lễ vật, vai khoác chiếc khăn, hai tay cầm quạt.

Múa quạt còn gọi là múa Tamia tadik, múa theo nhịp trống và kèn, đôi tay điều khiển nhịp nhàng làm cho chiếc quạt xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Khi dừng múa quạt, người múa đưa hai tay nắm nhẹ hai đầu chiếc khăn được ngoắc qua đôi vai, thể hiện các động tác múa một cách uyển chuyển. Múa quạt có thể múa cá nhân hay múa tập thể trong các lễ hội. Điệu múa chim công (Biyen) cũng có đạo cụ là quạt. Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa Biyen luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng. Phụ nữ Chăm với đôi tay khéo léo cầm hai chiếc quạt khi như đôi cánh, khi như đôi chim. Chiếc quạt là tiếng nói tâm tình khi vui quạt vung lên, khi buồn quạt úp xuống, khi yêu thương quạt duyên dáng, khi nghĩa tình thì sóng đôi bay lượn.

Múa đội nước hay múa đội lu được người Chăm gọi là Tamia dwa buk như hình ảnh thường ngày của người phụ nữ Chăm - đội thúng lúa từ ruộng lúa về làng, đội buk đi lấy nước ở bến sông. Các cô gái đội trên đầu bình gốm (pụ) hoặc một cái khay (ka ya) đựng hoa quả hoặc bộ ấm chén bằng đất nung. Trên khay có bình gốm hoặc ấm thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Điệu múa uyển chuyển, quyến rũ này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý.

Múa khăn - với chiếc khăn tượng trưng cho tấm lòng trong trắng đáng yêu, hiền dịu của các thiếu nữ Chăm. Múa đạp lửa là điệu múa phổ biến dành cho nam đã có từ lâu đời và xuất hiện trong lễ hội Rija Nagar - lễ hội xứ sở của người Chăm. Lửa là yếu tố tượng trưng cho khó khăn, hiểm nguy đang đến với con người, nghệ nhân múa nam tay cầm roi hay kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu bảo vệ xóm làng thân thương và thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng.

Món ăn của người Chăm

Ẩm thực Ninh Thuận được đánh giá vô cùng đặc sắc với hàng loạt những món ăn ngon được nhiều du khách yêu thích. Đó là sự hội tụ của bề dày lịch sử ẩm thực Chăm được giao thoa, tích hợp với tinh hoa ẩm thực của nhiều dân tộc khác nhau làm nên những món ăn gắn với niềm tự hào Ninh Thuận: bánh căn, bánh xèo, bánh canh, bún mắm nêm,...

Bánh căn - bánh xèo Ninh Thuận mang nét đặc trưng riêng biệt của mình, với yếu tố chủ đạo trong món ăn là vị hải sản tươi sống và hương nước mắm thơm nồng. Nước chấm của hai loại bánh này ở đây cũng khá đặc biệt, gồm bốn loại nước chấm là nước mắm chua ngọt, nước mắm đậu phộng, nước mắm nêm và nước cá kho. Rau ăn kèm bánh căn, bánh xèo phải là rau xanh, có vị thơm như húng lủi, quế, diếp cá… kèm thêm dưa leo xắt mỏng, khế xắt lát hay xoài xanh bằm nhuyễn.

 

Điều làm nên nét độc đáo của mắm nêm ở vùng đất này chính là những con cá cơm sống trong môi trường nước biển có độ mặn nhất cả nước, được ủ sau gần 3 tháng để lên men, tất cả tạo nên một loại mắm nêm có mùi thơm ngon đặc trưng nhất. Một vắt bún tươi cho vào bát, thêm chút rau sống, cà pháo, xoài và chén mắm nêm cay cay mặn mặn, trộn đều bát bún với mắm nêm, thưởng thức từng miếng bún, vị ngọt của thịt, chả cá, chả lụa, vị giòn của cà pháo, vị thơm của rau sống, vị cay của ớt, kết hợp với hương vị mắm nêm đặc trưng, tạo nên một món ăn thơm ngon cuốn hút tất cả mọi người.

Bánh canh nơi đây không chỉ cuốn hút bởi cái dẻo dai của bánh canh làm từ bột gạo hoặc bột lọc, mà bên cạnh đó là vị ngọt của nước dùng từ cá, của chả cá chiên hoặc hấp, vị thơm của hạt tiêu, hành ngò có rưới chút nước mắm cá đậm đà ngâm ớt và chút chanh tươi thơm lừng.

Khi trở về sau chuyến đi Ninh Thuận bạn có thể mang theo những mặn - ngọt - chua - cay ấy như những kỷ niệm về vùng đất này với tính cách của con người nơi đây - nặng tình nặng nghĩa mà mộc mạc, dân dã nhưng khiến du khách phương xa lưu luyến, khó quên.

(Nguồn: Tổng hợp)

Công ty TNHH Dịch vụ GrapAir Travel hân hạnh phục vụ Quý khách!

 

GrapAir đưa, đón sân bay Cam Ranh đi về Phan Rang - Phan Thiết - Mũi Né - Đà Lạt - Nha Trang, sân bay Liên Khương đi về Phan Rang - Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang, sân bay Tân Sơn Nhất - Sài Gòn đi về Phan Thiết - Mũi Né - Bình Thuận - Phan Rang - Mỹ Hòa - Ninh Thuận, sân bay Buôn Ma Thuột đi về Buôn Hồ - Ea H'leo - Buôn Đôn - Krông Bông - Ea Kar - Gia Nghĩa - Krông Nô ... đi lại, du lịch, lễ hội, cưới hỏi... an toàn nhất, thuận tiện nhất, hợp lý nhất và được phục vụ chu đáo nhất.

Hãy đặt GrapAir 0983001155 với dòng xe đời mới 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ, 30 chỗ và 45 chỗ phù hợp với các nhóm khách khác nhau - đi riêng một mình, cặp đôi, gia đình, nhóm bạn, họp lớp, hội khóa, họp mặt... với dàn xe xịn sò, tài xế chuyên nghiệp và mức chi phí cực hợp lý. GrapAir cũng cung cấp khách sạn, homestay và cano để Quý khách lưu trú và khám phá những miền đất đẹp trọn vẹn nhất.

GrapAir cung cấp tour để Quý khách check in và trải nghiệm những gì đặc trưng nhất của Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Lắk:

- Tour Phan Rang - Trùng Sơn Cổ Tự - Cánh đồng muối - Vườn nho du lịch Thái An - Hang Rái - Vịnh Vĩnh Hy - Cung đường biển - Bình Lập (Sao Biển, Ngọc Sương) - Điện gió.

- Tour Phan Rang - Tháp Chàm Po Klong Garai - Làng Gốm Bàu Trúc - Làng Dệt Mỹ Nghiệp - Tanyoli, Mũi Dinh.

- Tour Suối Tiên - Bàu Trắng - Mũi Né - Phan Thiết.

- Tour Phan Rang - Đèo Ngoạn Mục - Đà Lạt - Hồ vô cực - Thác Datanla - Vườn hoa - Thiền viện Trúc Lâm - Chợ Đà Lạt - Đồi Mộng mơ - Đồi chè - Làng hoa Vạn Thành.

- Tour Nha Trang: Hòn Chồng (Stacked rocks) - Tháp Po Nagar (Cham towers named Po Nagar) - Chợ Đầm (Dam market) - Nhà thờ Núi (Mountain church (or Stone church) - Bảo tàng ở Viện Hải dương học (Institute of Oceanography).

- Tour Đắk Lắk: Chùa Sắc Tứ Khải Đoan - Biệt điện Bảo Đại - Khu du lịch sinh thái Kotam - Hồ Lăk - Khu du lịch sinh thái Trohbư Buôn Đôn - Thác Thủy Tiên.

- Và Tour Theo YÊU CẦU Của Quý khách.

Chắc chắn Quý khách Sẽ HÀI LÒNG Và AN TÂM Khi Đến Với Chúng Tôi.

z4068604402427_5896356a313a40df1f3e149cd286ec45  

GrapAir hân hạnh phục vụ Quý khách trên mọi cung đường!

GrapAir đưa, đón TẬN NƠI, phục vụ TẬN TÌNH, tài xế TẬN TÂM

THOẢI MÁI ĐI XA - KHÔNG LO VỀ GIÁ!

Liên hệ: +84 983 00 1155 (điện thoại, zalo, whatsapp)

E-mail: grapairlam@gmail.com

https://grapair.vn

https://grapair.com

https://www.facebook.com/grapair

https://www.facebook.com/taxisanbaycamranhphanrangninhthuan

https://www.youtube.com/channel/UC6l8dYsKF2X_u4IWZkmmS9Q

You are reading: Khám phá văn hóa Chăm đậm đà bản sắc
Chăm, người Chăm, Cham-pa, Ninh Thuận, Panduranga, sân bay Cam Ranh, Nha Trang Cam Ranh International airport, sân bay Liên Khương, Dalat Lien Khuong airport
Viết bình luận